Nhật Bản là một đất nước mang trong mình sự đối lập đầy độc đáo, nơi mà nét truyền thống và hiện đại đang cùng tồn tại song hành. Với sự kết hợp hài hòa này, xứ sở hoa anh đào đã tạo ra một nền văn hóa đặc biệt và nổi tiếng khắp thế giới.

Trong bài viết này, hãy cùng vietducedu.vn bước vào hành trình khám phá TOP 9 nét văn hóa Nhật Bản đặc sắc nhất nhé!

1. Kỷ luật và chăm chỉ

Kỷ luật và sự chăm chỉ là nét văn hóa Nhật Bản nổi bật được nhiều người ngưỡng mộ. Hai đặc điểm này đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống và góp phần to lớn làm nên thành công của người dân nơi đây.

Kỷ luật có thể coi là giá trị cốt lõi trong cuộc sống của người Nhật. Họ luôn tuân thủ theo các nguyên tắc được đặt ra như các quy tắc trong gia đình, công việc và xã hội. Ví dụ trong công việc, người Nhật luôn đúng giờ, tôn trọng các nguyên tắc về trật tự thứ tự, coi trọng quyết định của tập thể…

Trẻ em Nhật được rèn luyện tính kỷ luật từ khi còn nhỏ
Ảnh: Internet

Người Nhật nổi tiếng với sự tận tâm và chăm chỉ trong mọi việc. Từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, học sinh Nhật Bản đã được rèn luyện tính “Cần cù bù thông minh”. Trong công việc, họ làm việc nhiều giờ và cố gắng hoàn thành các công việc xuất sắc nhất có thể.

Nếu để ý, bạn sẽ thấy người Nhật kiên nhẫn trong mọi việc. Từ việc nhỏ nhất là xếp hàng chờ mua một món đồ trong siêu thị hay đi ăn tại một nhà hàng, bạn sẽ chẳng thấy một sự chen lấn xô đẩy nào cả dù họ phải xếp hàng khá dài và chờ khá lâu.

Chính các đặc điểm này trong văn hóa Nhật Bản đã góp phần làm nên những con người thành công và là tấm gương để nhiều người học tập.

2. Trà đạo

Văn hóa trà đạo là một khía cạnh độc đáo của văn hóa Nhật Bản. Đó không chỉ đơn giản là một cách thưởng trà mà còn thể hiện triết lý sống và giá trị tinh thần của người Nhật.

Trà đạo là nét văn hóa đẹp của người Nhật
Ảnh: Internet

Trà đạo bắt đầu vào khoảng thế kỷ VII, được lưu giữ và phát triển qua nhiều thế kỷ. Triết lý trà đạo nằm ở việc pha và cách thưởng trà, ở đó chứa đựng sự tĩnh lặng, tôn trọng và sự kết nối giữa con người với con người và con người với thiên nhiên.

Tinh thần trà đạo được thể hiện qua bốn chữ : Hòa, Kính, Thanh, Tịnh.

  • Hòa: Hòa hợp, hài hòa.
  • Kính: Tôn trọng người bề trên, yêu thương người thân, bạn bè.
  • Thanh: Thanh tịnh, thanh khiết.
  • Tịnh: Tịnh tâm, an nhàn.

Thưởng trà tại Nhật cũng cần tuân thủ các lễ nghi, mỗi bước đều phải thực hiện cẩn thận. Người tham gia cần tôn trọng quá trình từ khi đặt chén trà lên bàn đến khi thưởng thức và sau khi hoàn thành. Việc này thể hiện sự tôn trọng và biết ơn đối với món trà và những người tham gia.

3. Kimono

Giống như áo dài Việt Nam, Kimono là trang phục truyền thống trong văn hóa Nhật Bản có lịch sử hàng ngàn năm. Đây là biểu tượng văn hóa và thể hiện tài năng thủ công của người Nhật.

Các kiểu Kimono của người dân xứ sở mặt trời mọc
Ảnh: Internet

Có nhiều loại Kimono khác nhau phụ thuộc vào từng dịp và mục đích sử dụng, ví dụ như:

  • Furisode: Kimono dài dành cho phụ nữ trẻ chưa chồng, ống tay dài, rộng, màu sắc tươi sáng, làm bằng lụa chất lượng tốt.
  • Houmongi Kimono: Trang phục của phụ nữ đã có chồng, thường được mặc trong các dịp quan trọng.
  • Yukata: Kimono được may bằng chất liệu cotton mát mẻ, mặc vào mùa hè, cả đàn ông và phụ nữ đều có thể sử dụng.
  • Shiromaku Kimono: Kimono được các cô dâu Nhật mặc trong ngày cưới.

Cách mặc Kimono khá phức tạp và cần có kỹ năng. Từ việc gấp và buộc đều phải thực hiện đúng cách. Nếu mới mặc lần đầu, bạn nên tìm một người hướng dẫn để mặc đúng và tránh mất thời gian nhé!

Kimono thường được sử dụng trong các dịp đặc biệt như lễ hội, lễ cưới, các sự kiện truyền thống… của người Nhật.

4. Tinh thần võ sĩ đạo

Văn hóa Nhật Bản có gì? Đó chính là tinh thần võ sĩ đạo – một phần quan trọng trong lịch sử được duy trì đến ngày nay. Samurai là tầng lớp chiến binh thị vệ đầu tiên xuất hiện từ thời Mạc Phủ thế kỷ XII. Các chiến binh Samurai rất được kính trọng vì họ hội tụ đủ “trí dũng song toàn”, đặc biệt trung thành với lãnh chúa.

Các võ sĩ đạo ngày xưa của Nhật Bản
Ảnh: Internet

Tính cách của các võ sĩ đạo rất đáng khâm phục với 7 nguyên tắc: Công bằng, nhân từ, tận tâm, chân thành, can đảm, coi trọng danh dự và tôn trọng.

Tinh thần võ sĩ đạo Nhật Bản không chỉ sử dụng trong võ thuật mà còn thể hiện trong cuộc sống hàng ngày. Từ đó giúp con người phát triển một tư duy lành mạnh và tạo ra một xã hội tốt đẹp hơn.

 

5. Đấu vật Sumo

Đấu vật Sumo là một môn thể thao truyền thống độc đáo trong văn hóa của Nhật Bản. Các võ sĩ đóng khố được chia thành cặp đấu trên nền sân đất hoặc cát hình tròn với đường kính 4,55 mét, mục tiêu là đẩy đối thủ ra khỏi vòng hoặc đưa đối thủ mất liên kết với mặt đất.

Trận đấu gay cấn của 2 võ sĩ sumo
Ảnh: Internet

Từ khoảng thế kỷ XII đến cuối thế kỷ XVI, đấu vật được áp dụng để các võ sĩ rèn luyện thể lực. Đến thời đại Edo thì được ưa chuộng như một bộ môn thể thao giải trí.

Sumo hấp dẫn người xem không chỉ vì vóc dáng khổng lồ của các đô vật mà còn bởi các chiêu võ vô cùng độc đáo, thể hiện truyền thống võ nghệ của người dân xứ sở hoa anh đào từ ngàn đời.

6. Văn hóa ăn uống

Không chỉ cầu toàn với công việc mà trong ăn uống, ẩm thực thì người dân cũng khiến thế giới phải nể phục với những văn hoá đầy bản sắc. Ví dụ như:

6.1. Cách ăn sushi

Người Nhật thường ăn sushi bằng tay. Tuy nhiên, trong các nhà hàng, bạn vẫn sẽ được cung cấp đũa để thưởng thức. Lưu ý khi chấm sushi bạn chỉ nên chạm phần cá vào nước sốt, tránh chấm hết cả phần cơm sẽ bị mặn. Bạn có thể ăn wasabi với sushi cũng rất ngon và nên ăn hết cả miếng chứ không cắn đôi.

Cách ăn sushi của người Nhật
Ảnh: Internet

6.2. Cách thưởng thức mì

Nếu như bạn cảm thấy việc húp sùm sụp một bát mì ở quán đông người là một hành động…không được hay thì ở Nhật bạn cần phải làm điều này vì đó như một nét văn hóa của người dân tại đây. Khi ăn mì, bạn nhất định phải phát ra tiếng. Điều này là cách thể hiện niềm vui cũng như ngầm dành lời khen cho món ăn và người đầu bếp.

6.3. Một số quy tắc trong ăn uống

  • Trước khi bắt đầu bữa ăn, bạn hãy nói “Itadakimasu” (Cảm ơn vì bữa ăn)
  • Không được dùng tay hứng đồ ăn vì đây được coi là hành động bất lịch sự
  • Tránh cắn đôi thức ăn vì các phần ăn khá vừa miệng, bạn nên ăn cả miếng và có thể che miệng nếu cần thiết
  • Không đặt đũa lên trên bát, bạn phải dùng gác đũa hoặc lấy giấy quấn đũa lại và đặt trên mặt bàn
  • Không cầm đũa trước khi cầm bát
  • Không đảo đầu đũa khi gắp thức ăn chung mà hãy lấy một đôi đũa mới
  • Khi ăn xong, bạn có thể nói lời cảm ơn “Gochiso Sama – deshita” (trang trọng) hoặc đơn giản hơn “Gochisosama” (ít trang trọng)

7. Văn hóa giao tiếp

7.1. Văn hóa chào hỏi

Cách chào hỏi đặc trưng trong văn hóa Nhật Bản là cúi đầu chào nhau. Bạn cần cúi thấp người từ phần eo – thắt lưng trở lên, chân đứng thẳng, đầu gối khép lại. Tùy vào đối tượng mà người Nhật có những kiểu chào khác nhau.

Cách cúi chào của người Nhật
Ảnh: Internet
  • Kiểu Eshaku – khẽ cúi khoảng 15 độ khi chào những người cùng tuổi, địa vị và tầng lớp xã hội, thể hiện sự thân mật và nhẹ nhàng.
  • Kiểu Keirei – cúi chào 30 – 35 độ khi chào cấp trên, người lớn tuổi, khách hàng, đối tác…
  • Kiểu Saikeirei – cúi thấp 45 – 60 độ thể hiện lòng biết ơn, kính trọng với Thần, Phật, chúa Trời, quốc kỳ, ông bà, bố mẹ, …

7.2. Văn hóa xin lỗi

Người Nhật thường xuyên nói lời xin lỗi. Xin lỗi để thể hiện sự biết ơn, tôn trọng và xin lỗi vì gây phiền hà, khó khăn cho người khác. Đôi khi, họ xin lỗi ngay cả khi bản thân không có lỗi chỉ để thể hiện sự lễ nghi và tôn trọng.

7.3. Giao tiếp bằng mắt

Một điều khá bất ngờ trong văn hóa giao tiếp của Nhật là nhìn thẳng vào mắt người đối diện khi giao tiếp sẽ bị coi là bất lịch sự, khiếm nhã và không đúng mực. Bạn nên nhìn vào một vật cụ thể như cà vạt, đồ trang sức, cúi đầu hoặc nhìn sang bên…

8. Tiền tip

Văn hóa tiền tip ở nhiều nơi khá phổ biến nhưng riêng ở Nhật, bạn sẽ chẳng cần để tâm đến việc này vì tiền boa ở Nhật gần như là một điều cấm kỵ.

Tiền boa không được chấp nhận ở nhiều nơi tại Nhật Bản
Ảnh: Internet

Người Nhật thường cố gắng mang đến dịch vụ xuất sắc và tận tâm nhất. Họ không cần tiền tip để đảm bảo dịch vụ tốt hơn, đôi khi hành động này là thiếu tôn trọng với khả năng của họ. Các nhân viên tại Nhật còn được đào tạo để từ chối nhận khoản tiền này.

Đây cũng được coi là một nét đẹp trong văn hóa Nhật Bản ghi điểm trong mắt khách du lịch.

9. Manga – Anime

Khi nhắc đến Nhật Bản, chúng ta không thể không nhắc đến những bộ truyện tranh và phim hoạt hình hấp dẫn mang đặc trưng riêng. Những tác phẩm gắn liền với tuổi thơ của biết bao thế hệ, đưa văn hóa Nhật Bản đi khắp thế giới với các tác phẩm đình đám như Doraemon, Pokemon, Luffy và Naruto, thám tử lừng danh Conan…

Anime nổi tiếng Nhật Bản
Ảnh: Internet

Các tác phẩm không chỉ mang tính giải trí mà còn có tính giáo dục với nhiều thông tin bổ ích, truyền đạt các kiến thức chuyên môn trở nên gần gũi. Từ đó giúp người đọc có hứng thú hơn trong việc tìm hiểu tri thức, mở rộng vốn hiểu biết trong nhiều lĩnh vực.

Lời kết

Trên đây là TOP 9 nét văn hóa Nhật Bản mà bạn cần phải biết. Việc nắm được các thông tin này sẽ giúp bạn hiểu hơn về đất nước mặt trời mọc và có thể dễ dàng thích nghi khi sang sinh sống và làm việc. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc gì liên quan, đừng ngại kết nối với vietducedu.vn để được giải đáp nhé.

Trang web này sử dụng cookie để cung cấp cho bạn trải nghiệm duyệt web tốt hơn. Bằng cách truy cập trang web này, bạn đã đồng ý với việc sử dụng cookie của chúng tôi.